Loading Logo

Loading..

Mười điều tâm niệm- Điều tâm niệm thứ hai

Điều tâm niệm thứ 2. Tin Ở Sự Tiến Bộ.

Một ngày có thể một hơn.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ được nghe một câu chuyện lý thú, tôi rất lấy làm thích, tuy không hiểu được trọn nghĩa. Một bậc hiền triết – tôi không nhớ rõ là Trang Tử hay Khổng Tử – một hôm thơ thẩn trong một cánh đồng rộng. Thời ấy, thánh nhân còn có nhiều thì giờ nhàn rỗi, nên bậc hiền triết thong thả lần theo đường cỏ hóng mát. Đến một thửa ruộng, thấy một người đạp gầu lấy nước ở ao lên ruộng, bậc hiền triết than phục kêu lên rằng:
– Tiện vậy thay!
Qua thửa ruộng bên cạnh, bậc hiền triết để ý đến một ông già múc ở ao từng gáo nước một đổ lên gốc lúa. Bậc hiền triết lấy làm ngạc nhiên hỏi:
– Sao ông cụ lại lẩn thẩn như vậy. Ông cụ làm gầu mà đạp có tiện hơn không?
Ông cụ già mỉm cười không trả lời.
Hỏi gặng mãi, ông cụ mới nói rằng:
– Ông biết một, mà không biết hai. Dùng gầu gỗ để đem nước lên ruộng tiện thật, nhưng sẽ đưa dân ta vào một con đường nguy hiểm. Vì đã tiến lại muốn tiến hơn nữa, ý muốn của người ta thành ra không bao giờ cùng, bản tính thiên nhiên của người ta sẽ trụy lạc dần đi.
Bậc hiền triết nghe ông cụ nói sực tỉnh ngộ, vội vàng sụp xuống lạy tôn làm thầy.

Tôi hồi còn nhỏ nghe câu chuyện ấy cũng thán phục cụ già y như bậc hiền triết kia vậy. Là vì độ ấy tôi chưa hiểu thế nào là trào phúng – Ý chừng bậc hiền triết kia là một nhà thủ cựu, có người bịa ra câu chuyện để tỏ cho ông ta cái vô lý của thuyết bài bác sự tiến bộ. Ông cụ già cho sự tiến bộ – từ cái gáo đến cái gầu đã có một bước dài trên đường tiến bộ – là có hại nhưng ông ta lại quên mất rằng ông cũng dùng gáo cũng đã làm giảm mất bản tính thiên nhiên của người rồi.

Tiến bộ không thể có hại được, lẽ đó bây giờ ai cũng cho là dĩ nhiên. Không còn có người bảo loài người không còn có thể tiến bộ được, ý họ muốn nói về phương diện đạo đức. Thánh nhân ngày xưa đã tới cực điểm của sự tu thân, ngày nay và ngày mai ta chỉ còn có cớ nói theo dấu cũ mà thôi.

Ấy chỉ vì thế mà dân tộc ta từ ngàn năm nay cứ nằm bẹp dí ở một chỗ, không cất đầu lên nổi, ta mải nhìn về quá khứ, tự bắt mình vào trong khuôn phép bất di bất dịch, vì do tay những người ta gọi là đại hiền, là thánh nhân – nên ta cứ đứng nguyên một chỗ như pho tượng vô tri.

Ta đã biết vậy, thì ta phải thay đổi hẳn thái độ.

Ta phải tin ở sự tiến bộ, tin rằng có tiến bộ, ấy là ta đã tiến bộ rồi đấy. Có tin ở sự tiến bộ, ta mới có thể lo hành động để đi tới sự tiến bộ được. Lòng tin ấy, không phải là ai cũng có cả. Có nhiều người, trước sự ngu muội của dân quê dốt nát, sợ hãi, tắc lưỡi than thầm: “Những hạng người không ra người ấy còn trông mong gì được”. Dân ta hầu hết như vậy cả, hầu hết dốt nát, ngu tối. Vậy theo những người yếm thế ấy, không còn mong dìu dắt họ đến con đường đầy ánh sáng của văn hóa Tây phương được.

Nếu ai cũng nghĩ như vậy, nếu ta yên trí rằng ngu dân không thể cảm hóa được, thì họ sẽ đời đời chịu đựng cái tình cảnh thảm đạm, tối tăm, không bao giờ thoát ly ra được. Vậy ta phải nghĩ rằng họ cũng như ta, cũng như dân sáng suốt của các nước văn minh, họ cũng là người.

Là người, nghĩa là có lương tri như ta, nghĩa là bản tính có thể một ngày một tốt, một hay hơn. Tin ở sự tiến bộ, xem vậy tức là tin ở lương trí của loài người, tức là tin rằng người ta có thể tiến dần đến sự toàn mỹ, toàn thiện được.

Tức là tin về đủ phương diện tinh thần, luân lý hay vật chất, người ta có thể dần dần đưa nhau đến một đời đẹp đẽ, đáng yêu, đáng kính hơn.

Nói đến sự tiến bộ về phương diện luân lý, chắc các nhà nho cười nhạt để chế nhạo. Họ dựa vào những sự xung đột của hai nền luân lý cũ, mới để giễu ý tưởng tiến bộ của ta. Nhưng cứ bình tĩnh mà xét, về luân lý, ta có một quan niệm nhân đạo hơn xưa nhiều lắm. Mà rồi sau đây quan niệm của ta về phương diện ấy chắc chắn sẽ hợp với nhân đạo hơn quan niệm của ta hiện giờ.

Về tinh thần và vật chất, điều cốt là ta tin ở sự tiến bộ của khoa học. Đời ta đương sống hiện thời là một đời khoa học: cố cương cường mới sinh tồn được còn nhu nhược ắt phải lần hồi đào thải. Ta phải nỗ lực đi với cuộc đời khoa học ấy, đặng tỏ ra rằng ta cũng đáng sinh tồn.

Chúng ta đã chán nỗi đứng nguyên mãi một nơi, mắt đăm đăm nhìn vào những cổ tục rêu phong. Những tục lệ càng cổ bao nhiêu, rêu càng phong bấy nhiêu. Chúng ta cần phải quả quyết công bố ý chí của ta: ý chí sống một đời đáng sống dưới ánh sáng mặt trời, sống một đời văn minh.

Muốn vậy, ta phải cần thành thực tin ở ta, tin ở những động lực tiềm tàng trong lòng ta, tin ở sự tiến bộ của ta và của loài người.

Có lòng tin tưởng ấy, tương lai của ta sẽ không thể nào không rực rỡ được.

TIN…

Một sự hiển nhiên, muốn sống trong đời mới trong thế giới hiện thời ta cần tin ở sự tiến bộ.

Ta cần phải tin rằng ngày nay tốt đẹp hơn ngày xưa, và ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày nay.

Ta cần phải tin rằng hết thảy mọi đẳng cấp trong xã hội không khác nhau về lương tri, về tinh thần, chỉ khác nhau về học thức. Từ người phu xe cho chí ông tiến sĩ, ai ai cũng vậy, đều có thể thay đổi một ngày một hơn.

Đã có lòng tin như vậy, bổn phận ta thấy rõ rệt lắm.

Ta cần phải đem hết nghị lực, tài trí ra hành động để cho người cổ hủ hóa ra văn minh, cho người ngu muội hóa ra sáng suốt, cho người sáng suốt hóa ra sáng suốt hơn.

Ta cầm phải khuyến khích, giúp đỡ những người có can đảm đem những điều mới lạ ra thực hành, mặc dầu những điều mới, lạ ấy giờ chưa có kết quả tốt tươi.

Ta cần phải tước bỏ những thuyết trái với lòng tin sự tiến bộ, nhất là thuyết tin ở số mệnh, những thuyết chỉ đưa ta đến chỗ chết.

Không bao giờ ta nên dừng lại. Lúc nào cũng như lúc nào, ta phải yên trí rằng ta còn có thể hơn được nữa.

Với lòng tin ấy, dân tộc ta sẽ đi vào trong quãng đời văn minh như dòng sông Hồng Hà chảy ra biển khơi, mạnh mẽ đường hoàng không lúc nào ngơi.


Nguyễn Thành Luân

20 Blog posts

Comments