Hai Stt từ cô bạn Thảo Dân fb TD Thanh.
1/ NÓI VÀ IM LẶNG
Bạn trẻ trong fl tôi có một stt thế này:
"Trong một tiết học môn kĩ thuật, mình đang học đến bài ôn tập. Bài tập này bắt thực hành phải nấu đồ ăn mình đã làm ở nhà hoặc đồ ăn đã học ở sách. Cô bảo học sinh mở bài luộc rau rồi chép cách làm vào vở. Đứa nào chép đẹp thì cô cho điểm 10. Mình không đồng ý với việc đấy nên không chép nữa. Theo mình thì đọc trong sách mới học được lí thuyết thôi. Còn nếu mình làm thì mình sẽ biết cách để làm và lớn lên sẽ làm được".
Đây là quan điểm của một học trò về phương pháp dạy học. Không có gì sai hay hỗn láo, chưa nói nó tiến bộ và mang tinh thần xây dựng. Nhưng cô giáo gọi điện cho bố bạn, nhờ nói để bạn xóa stt. Bạn trẻ không chịu. Và cá nhân tôi, tôi ủng hộ rằng hãy giữ lại stt. Nếu cô giáo thấy cậu chưa hiểu đúng vấn đề thì phải giải thích, phân tích cho cậu hiểu. Còn nếu đó là một gợi ý hay thì nên thực hiện, cũng là cách dạy coi học sinh là trung tâm và để trẻ thấy mỗi ngày đến trường không chỉ là một ngày vui mà còn để khám phá và thực hành.
Mở rộng vấn đề, cách hành xử của cô giáo, thực chất chính là cách hành xử ta gặp với những người có ý kiến khác với truyền thống, khác với đám đông cho dù nó hợp lý. Nhiều bạn bè tôi khi đăng một bài viết hoặc chỉ là chia sẻ từ báo nhà nước vẫn thường bị những người thân quen, các sếp nhắc nhở, dọa dẫm. Bị kỷ luật đấy. Công an hỏi thăm đấy. Đi tù đấy. Khi đó thì ai nuôi. Và họ khuyên nên gỡ bài đi, mình dân đen biết gì mà nói. Cứ để cái nồi cơm nhà mình đầy đi đã. Tưởng chừng họ lo cho mình, nhưng thực chất là họ sợ bị ảnh hưởng tới chính họ. Họ sợ bị liên lụy. Thay vì họ cùng hỗ trợ lên tiếng để đối tượng được nói tới buộc phải thay đổi thì họ lại bắt người khác cũng lặng im như thế.
Lại nhìn rộng ra hơn nữa, không nói cá nhân, mà nói ngay báo chí nhà nước, cứ hở ra bài nào khiến chạm nhẹ vào chỗ nhạy cảm của lãnh đạo hoặc lợi ích nhóm là sớm đăng trưa gỡ thậm chí còn bị đình bản chứ tuyệt đối không có chuyện nhìn nhận để sửa sai.
Như vậy, văn hóa Câm họng là thứ văn hóa quái thai từ thấp đến cao, từ trên xuống dưới, trong tất cả mọi ngành nghề. Quyền bộc lộ cá nhân bị áp chế một cách thô bạo, vô ý hay cố ý. Đụng tới điều gì cũng chép miệng, Do thể chế mà ra. Mình con ong cái kiến thì làm được gì. Đó là một câu vô trách nhiệm nhất trong số những câu nói vô trách nhiệm. Nếu cứ vin vào thể chế để ỳ ra, ngậm mồm thì nhân phẩm công dân, nhân phẩm con người càng bị chà đạp. Càng bị chà đạp mà không tự thân thay đổi, không dám bày tỏ thái độ lại càng bị áp bức. Trong khi nếu tự thay đổi nhận thức, hành vi thì sẽ thay đổi về hành động tiến dần tới một xã hội dân sự, một cơ hội được sống trong văn minh.
Im lặng là gốc rễ của sự hèn. Từ cái Hèn của cá nhân dẫn tới cái Mạt của quốc gia. Tôi từng được nghe nhiều đảng viên thì thào, Nó thối nát lắm nhưng đằng ấy quần chúng nói thì không sao chứ bọn tôi trong đảng nói hở ra một câu là mệt rồi. Ban đầu tôi chỉ cười. Về sau, không nhịn được, tôi độp luôn, Vào đảng để mà câm thì đừng vào. Còn xác định vào để tiến thân thì chấp nhận thối nát cùng nó thì còn than thở gì.
Ai đó nói rằng, giá trị một con người Việt thời nay không chỉ đo bằng việc anh ta làm được bao nhiêu tiền, leo lên chức vụ gì, mà thể hiện ở chỗ, anh ta có dám mở miệng trước bất công không. Bằng không, những thành đạt cũng chỉ đem lại sự vinh thân phì gia, bất quá cũng chỉ hơn cái giá đựng áo, cái túi đựng cơm một chút chứ có gì mà hãnh diện. Ngẫm, thấy điều đó thật chí lý.
Vậy nên bạn trẻ cứ hồn nhiên đi. Tương lai đất nước này trông cậy vào những người dám bộc lộ mình như bạn chứ người lớn nhiều khi khôn quá. Khôn như con hến đến khi dám mở miệng thì đã bị luộc chín bởi nước sôi rồi.
.................................
2/ NGHĨ TỪ BỨC TRANH VÔ DANH.
Con người mà anh yêu trong em tất nhiên là tốt hơn em. Em không được như vậy. Nhưng anh hãy cứ yêu và em sẽ cố gắng tốt hơn chính bản thân mình.
Mỗi con người sinh ra đều chỉ là những tảng đá cô độc bên đời. Bởi thế, họ mới cần đi tìm một nửa. Để tự hoàn thiện và tốt hơn trong mắt nhau. Người đàn ông là gương mặt phản chiếu thứ hai của người đàn bà và ngược lại, những gì đàn bà thể hiện chính là thước đo tình yêu, lòng trung thành (không phải chung thủy. Với đàn ông, trung thành đáng giá hơn chung thủy) của đàn ông với người phụ nữ của anh ta.
Chính vì thế, hãy đừng than trách bạn đời của mình. Đừng bao giờ đổ lỗi hết cho anh ấy, cô ấy. Bởi họ ra sao chính là do tay ta góp phần khắc tạc. Ta chi chút, khéo léo, cẩn trọng, giữ gìn thì họ sẽ đẹp dần lên, hoàn thiện dần lên. Ta cẩu thả, vụng về, không để tâm trí mình vào việc cùng tạo tình yêu, thì họ sẽ xấu xí, vô duyên, méo mó.
Tạo hóa ban phát cho con người một số phẩm chất và khuyến mại vô vàn tính xấu. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều có những ham muốn đầy bản năng, từ vật chất đến tinh thần. Ở đàn bà là những thứ vừa phù phiếm xa hoa, vừa khêu gợi vuốt ve lòng tự mãn: phấn son, váy áo, tiệc tùng, nhan sắc, sự ngưỡng mộ của người khác, tâm địa nhỏ nhen ích kỷ. Nói không sai bao nhiêu, sau lưng mỗi người đàn bà đều có một con cáo tinh ranh sẵn sàng xòe nanh vuốt...Đàn ông cũng có nhưng đam mê có thể khiến người ta xao nhãng bổn phận: sở thích cá nhân, thú vui rượu chè, áp lực kiếm tiền, sự thành đạt về vật chất.....
Cả hai phái đều lầm tưởng đó là nền móng để xây dựng tình yêu và họ hối hả dành tâm sức của mình, biến mình thành vô tri để lao vào kiếm tìm, đổi chác, để đạt tới giới hạn vô cùng của lòng tham mà níu giữ tình yêu nhưng thật ra tất cả những điều đó thực sự là gánh nặng, hóa thạch tâm hồn, cảm xúc. Khiến người ta quên rằng, điều hạnh phúc nhất là yêu và được yêu hồn nhiên chứ không phải những tình yêu có điều kiện. Yêu, thật ra là không cần điều kiện. Chỉ chừng nào người ta biết buông bỏ, biết thả trôi những phù hoa thì họ mới tìm thấy nhau, đẹp trong mắt nhau. Đó là công trình kéo dài cả cuộc đời. Và cho tới phút cuối cùng của đời sống, kiệt tác tình yêu mới hoàn thiện.
Bức tranh của người chưa biết tên thì thầm với tôi những điều như thế.