Loading Logo

Loading..

809 Points 1 w

THỞ CHUNG HƠI THỞ QUỐC GIA

“Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc.”

Đó là câu dẫn trong đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2025, lấy từ truyện ngắn Những vùng trời khác nhau của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Câu văn tưởng như chỉ mang chất thơ, nhưng thực chất là một chìa khóa mở ra những vấn đề rất đỗi hiện thực: quê hương là gì, tổ quốc là ai, và làm sao để người trẻ hôm nay hiểu rằng chính mình đang sống giữa một thời đoạn lịch sử.

Không như những năm trước, đề văn năm nay không còn sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Và cũng không đơn thuần hỏi về cảm xúc, đạo lý, hay tư duy cá nhân. Nó gợi một cái nhìn công dân, một cảm thức chính trị. Đề thi không đứng ngoài dòng chảy cải cách đang diễn ra trên chính bản đồ Việt Nam.

Bởi đúng lúc học sinh sinh năm 2007 thế hệ cuối cùng lớn lên cùng 63 tỉnh thành cũ bước vào phòng thi, thì ở ngoài kia, những tên tỉnh đang được gộp lại, những ranh giới hành chính được vẽ lại. Một phần lịch sử địa phương đã lùi xuống phía sau. Và đề thi Ngữ văn sáng 26/6 như một lời chia tay lặng lẽ: vừa không ồn ào, vừa không thể quay lại.

Nhưng điều quan trọng nhất không nằm trong văn bản. Nó nằm ở cách mà một câu văn đơn giản được nối với cả một quá trình cải cách hành chính đầy giằng xé. Nó chạm vào một mạch ngầm chính trị: cá nhân phải học cách thở chung với guồng máy của quốc gia.

Đề văn ấy sâu xa là một phép thử. Thử xem giới trẻ hôm nay có thể cảm nhận được không khí của quốc gia hay chưa. Có thể kết nối những dòng văn học với vận mệnh chính trị hay không. Có thể nghĩ xa hơn câu chuyện thi cử, mà chạm vào câu chuyện căn cước.

Không phải ai cũng nhìn thấy điều đó. Nhưng đó chính là vai trò của giáo dục trong một quốc gia đang đổi mới. Không chỉ truyền đạt, mà phải gợi ra cái “nhức nhối” của thời cuộc, đặt từng công dân trẻ vào thế phải trả lời: Tổ quốc đang thay đổi, bạn có đổi theo kịp không?

Và đáng nói hơn: đây không phải là một đề văn có thể học tủ, học thuộc. Không có chất liệu sẵn có trong sách. Không có khuôn mẫu áp vào là đúng. Đề thi ấy đòi hỏi học sinh phải dùng chính những gì mình từng học để áp thẳng vào thực tế đang vận hành của đất nước. Nó là một cuộc kiểm tra về khả năng cập nhật, năng lực liên hệ, và bản lĩnh nhập cuộc với đời sống.

Đó là một bước tiến không chỉ trong cách ra đề, mà trong cách hình dung vai trò của giáo dục.

Trong lịch sử thi cử Việt Nam hiện đại, đề Ngữ văn 2025 có thể không phải là đề khó nhất, nhưng có lẽ là đề thi gần hơi thở đất nước nhất về cả không gian, thời gian lẫn tư duy công dân.

image