Bối cảnh
Năm 1936, mặt trận Bình dân liên kết các đảng khuynh tả thắng thế trong cuộc tuyển cử ở Pháp. Nội các Léon Blum (một lãnh tụ xã hội) thành lập Phong trào xã hội sôi nổi ở chính quốc và lan tràn tới các xứ thuộc địa. Ở Việt Nam, các cơ quan ngôn luận được dịp thi đua tranh đấu chính trị và đòi cải tạo xã hội.
Nhân dịp này, tuần báo Ngày Nay của nhóm Tự lực Văn đoàn đăng bài viết “Mười điều tâm niệm” (từ số 25 ngày 13-9-1936 đến số 41 đầu năm 1937) và “Bùn lầy nước đọng” (từ số 27/9/1936) của Hoàng Đạo (1907-1948), nhà văn Tự Lực Văn Đoàn, tên thật là Nguyễn Tường Long. Mười điều tâm niệm sau đó được in thành sách năm 1939 (NXB Tự Do, có nguồn ghi là NXB Đời Nay).
Lời nói đầu
Hỡi các bạn trẻ!
Hỡi các người đang tuổi thanh niên hăng hái, bồng bột, nhiệt thành với mọi việc, những người tóc bạc mà trí vẫn sáng suốt, tâm hồn vẫn trẻ trung.
Những người lúc nào cũng nghĩ đến tiến, tiến hơn lên, tiến hơn lên nữa!
Cõi đời cũ, cõi đời cằn cỗi, đọng lại như nước ao tù từ mấy ngàn năm xưa của phái thủ cựu đã đi vào nơi tiêu diệt như đêm tối tan đi trước ánh sáng của vầng thái dương.
Cõi đời của phái “trung dung” đã đến buổi tàn tạ. Công cuộc của phái ấy đã hoàn toàn thất bại, và kết quả của chủ nghĩa điều hòa chỉ là: hư không.
Vậy cần phải có một cuộc đời mới, với một tinh thần, một linh hồn mới. Đó là cuộc đời của các bạn, của phái trẻ chúng ta.
Trong cuộc đời mới đang đợi ta, đầy ánh sáng và chông gai, lúc nào cũng phải tâm niệm đến những ý tưởng chính, đến nguyên tố nền tảng của tinh thần mới. Những tư tưởng, những nguyên tố ấy, ta có thể gồm lại đúng mười điều, mười điều tâm niệm.
Tự Lực Văn Đoàn
Tóm tắt “Mười điều tâm niệm”
- Điều tâm niệm thứ 1: Theo mới. Hoàn toàn theo mới không chút do dự. Tuyệt đối bỏ văn hóa cũ để theo văn hóa Âu Tây. Tinh thần riêng của dân tộc sẽ đào thải những cái gì không thích hợp
- Điều tâm niệm thứ 2: Tin ở sự tiến bộ một ngày có thể một hơn. Công kích phái thủ cựu tin tưởng một cách quá đáng vào các khuôn phép cũ
- Điều tâm niệm thứ 3: Sống theo một lý tưởng. Hoàng Đạo cho rằng các sĩ phu ngày trước không có lý tưởng vì họ bình thản bước theo con đường do các bậc thánh hiền xưa vạch sẵn
- Điều tâm niệm thứ 4: Làm việc xã hội. Xã hội cũ là một xã hội đóng kín, trong đó người ta có óc vị kỷ vì chỉ nghĩ đến thân danh, gia đình, họ hàng, làng xóm, mà không có tinh thần xã hội rộng rãi
- Điều tâm niệm thứ 5: Luyện tính khí. Có học thức không đủ, còn cần phải có một ý chí hùng mạnh vững vàng. Bởi vậy cần phải luyện tính khí để nâng cao nhân phẩm
- Điều tâm niệm thứ 6: Phụ nữ ra ngoài xã hội. Phụ nữ phải bình đẳng với nam giới không những về quyền lợi mà cả về nghĩa vụ nữa
- Điều tâm niệm thứ 7: Luyện lấy bộ óc khoa học. Hoàng Đạo nêu ra những tai hại trầm trọng của óc mê tín, và trình bày sự cần thiết và công dụng của khoa học
- Điều tâm niệm thứ 8: Cần sự nghiệp, không cần công danh. Người xưa thường lẫn công danh với sự nghiệp. Ngày nay thanh niên cần phải tẩy trừ óc chuộng hư danh để mà xây dựng sự nghiệp bằng cách làm ích cho người chung quanh
- Điều tâm niệm thứ 9: Luyện thân thể cường tráng. Công kích tinh thần văn nhược thuở xưa và khuyến khích thanh niên siêng năng thể dục
- Điều tâm niệm thứ 10: Cần có trí xếp đặt. Chỉ trích thói cẩu thả, luộm thuộm, và nêu ra sự quan trọng của óc tổ chức, làm việc có phương pháp kiểu phương Tây.
Điều tâm niệm thứ 1. Theo Mới.
Hoàn toàn theo mới không chút do dự.
Với các nước khác ở Viễn Đông, nước Việt Nam ta, cách đây hơn năm mươi năm sực tỉnh một giấc ngủ ngàn năm. Tuy không được như bà công chúa ngủ trong rừng của một truyện thần tiên nào, tỉnh giấc một cách êm đềm, trong một cách lộng lẫy, trước sự âu yếm của một ông hoàng đa tình, nhưng cũng còn hơn là cứ thiêm thiếp mãi một giấc mơ vô cùng.
Giấc mơ ấy là cuộc đời cũ. Cũng như những giấc mơ khác, lúc tỉnh thoảng nhớ lại, cuộc đời ấy có vẻ nên thơ. Một cuộc đời giản dị, chất phác: trai thì ngâm phú, đọc văn để chờ khoa thi, gái thì dệt vải, giã gạo cho đến rằm tháng tám, rủ nhau cất tiếng hát những giọng tình tứ dưới trăng thanh.
Sự thật đâu có được đáng yêu như vậy. Bó buộc trong những lễ nghi, tập tục phiền phức, nhiều khi vô nghĩa lý, họ sống một cuộc đời phiền nhiễu, rắc rối. Trong gia đình, một cuộc đời ngấm ngầm đau khổ cho những người làm dâu, làm con; ngoài xã hội, một cuộc đời cũng nhiều đau khổ cho những người chân lấm tay bùn, ở hàng dưới nhất của sự tôn ti trật tự quá nghiêm khắc.
Nhưng số người không trông thấy sự thực thường không phải là ít. Những người thời buổi ấy còn sót lại vẫn cố giữ ảo tưởng của họ, vì cảm thấy lạc loài vào một thời buổi họ không hiểu. Với những người ấy, sẽ tiêu diệt cuộc đời và văn hóa cũ.
Văn hóa cũ chỉ còn rớt lại trong những tập tục một ngày một ít và ở trong óc của phái “trung dung”. Phái này ở trong nước ta rất thịnh hành và cũng rất có quyền thế. Họ nêu ra cái thuyết dung hòa văn hóa cũ và văn hóa mới, lời lẽ nghe ra có vẻ uyên thâm lắm. Còn gì hơn là giữ những điều gì hay của văn hóa Tàu làm vốn, thâu nhập những cái hay của văn hóa Pháp để thêm thắt vào, như vậy chẳng mấy lúc ta sẽ có hai văn hóa, ta sẽ hóa ra văn minh hơn hết thảy các nước trên hoàn cầu.
Những sự tơ tưởng ấy chỉ là một ảo tưởng. Hai văn hóa như hai dòng nước chảy trên một trái núi xuống: nhưng một dòng chảy về phía đông, dòng chảy về phía tây, không sao hợp lại làm một được: văn hóa Tây phương hiếu động, cốt ở chỗ luôn luôn thay đổi, không lúc nào ngừng; còn văn hóa Viễn đông cũ chủ tĩnh, luôn luôn đứng dừng lại một nơi.
Trong trường hợp thực tế, chủ nghĩa điều hòa của phái “trung dung” đã hoàn toàn thất bại. Vì muốn châm trước chọn lọc, họ đã do dự, rụt rè, không biết lấy tôn chỉ gì mà giữ lại hay tước bỏ. Thí dụ, như họ muốn thu thập chủ nghĩa cá nhân Tây phương vì họ nghĩ một cách xác đáng rằng: cá nhân có phát triển được tài năng, tiến hóa mới chóng thấy. Nhưng họ muốn giữ lại cái chế độ đại gia đình, và trong đại gia đình, điều cốt yếu là chủ nghĩa phục tùng cho nên họ lưỡng lự như con lừa của Bruidan đứng trước bát nước và nắm cỏ không biết uống hay ăn, hay như anh chàng hai vợ nằm giữa vợ cả và vợ lẽ, không biết ngoảnh mặt về phía nào. Sự lưỡng lự ấy không đưa họ đến một kết quả nào cả.
Họ chỉ lo những tiến cùng lùi, nên họ hóa đứng yên một chỗ như con ngựa đạp đất một nơi, ra vẻ hăng hái lắm, nhưng không đi được nửa bước. Trước sự thất bại của phái trung dung, không còn gì hơn là ta theo mới, theo một cách quả quyết.
Theo Mới Nghĩa Là Âu Hóa.
Âu hóa, không phải là ăn vận cho đúng mốt ở Paris, nhảy đầm cho đúng điệu, nặn mũi cho lõ, pha thuốc vào mắt cho xanh. Âu hóa, là phải tìm đến những cốt yếu của văn hóa Tây phương để áp dụng vào đời ta. Văn hóa Âu Mỹ đem sang trồng ở đất ta tự nhiên sẽ biến; những điều hợp với tinh thần riêng của dân tộc An Nam sẽ còn và nảy nở ra, những điều không thích hợp sẽ tự nhiên bị đào thải. Không nên lo ta sẽ hóa ra người Pháp nửa mùa, nói tiếng Pháp lai căng. Dân tộc ta bị hàng ngàn năm văn hóa Tàu đàn áp mà vẫn giữ được tư cách riêng, không đến nỗi hóa ra người Tàu cả. Vậy, bây giờ ta đem văn hóa Thái tây áp dụng vào cuộc đời, mũi ta không đến nỗi hóa lõ, và ta không đến nỗi mất tinh thần riêng của ta.
Những người thủ cựu thường cho những sự thay đổi cỏn con theo văn hóa Thái Tây là những sự ác ghê gớm. Đàn bà mặc quần áo trắng hay rẽ đường ngôi lệch, họ đổ cho ngay là để phá hoại luân lý, hô hào theo chủ nghĩa cá nhân, họ định cho ngay là muốn phóng túng những dục vọng đáng bỉ. Nhưng bọn trẻ ta phải mặc họ, cứ thẳng đường mà tiến, không do dự, không ngã lòng. Tương lai sẽ đem những phần thưởng quý báu lại cho ta.
Lẽ tự nhiên trong lúc ồ ạt xô đẩy nhau vào cuộc Âu hóa, không khỏi có người đi lầm đường. Không khỏi có nhiều kẻ vì hiểu lầm văn hóa Tái tây mà coi cuộc đời như một nơi để hưởng những sự khoái lạc chốc lát. Nhưng không thể dựa vào những việc ấy mà bảo rằng Âu hóa là một điều không nên theo. Con dao có khi cắt đứt tay, nhưng nào có ai nói con dao là một đồ vật không nên dùng?
Vậy, mạnh bạo, hăng hái, chúng ta nên đua nhau vào con đường mới, rộng rãi và đầy ánh sáng của văn hóa Âu-Mỹ.
Tiến…
Không còn hoài nghi gì nữa, dân tộc ta, nước ta cần phải hoàn toàn theo mới.
Tiếp xúc với văn minh Thái Tây đã già nửa thế kỷ mà đến bây giờ vẫn còn phải hô hào, như vậy là chậm lắm, chậm quá lắm rồi!
Ta cần phải đem hết nghị lực và lòng nhiệt thành ra làm việc để vớt lại thì giờ đã mất, để đền bù vào sự chậm chạp kia.
Không sợ lời dị nghị, cần phải quả quyết Âu hóa một cách mạnh bạo ngay từ hôm nay.
Ta cần phải có hai cuộc cách mạng. Một cuộc cách mạng trong lòng ta. Trước khi làm một việc gì, ta phải suy nghĩ để hành động của ta là hành động của một người có óc tân tiến.
Sau khi hành động, ta lại cần suy xét xem trong công cuộc, tư tưởng của ta có còn rớt cặn bã của óc thủ cựu hay không? để ta liệu khu trừ ngay.
Một cuộc cách mạng ngoài gia đình và xã hội. Một việc ta đã cho là hợp với tư tưởng mới, ta làm đã đành, nhưng ta còn phải giảng giải, dẫn dụ cho người chung quanh ta quy phục nữa. Mỗi người theo mới phải là trạng sư cho sự Âu hóa vậy.
Không nên ngã lòng vì những điều trở ngại, và lúc nào cũng ngờ rằng sau lưng ta, bao giờ cung có một số đông người cùng một ý tưởng muốn theo mới như ta ủng hộ, khuyến khích.
Nào nhưng ai thành thực muốn cho nước ta, dân ta sống một đời mới đáng sống… đứng cả dậy.
Nguyễn Thị Minh Anh 37 w
💜