Loading Logo

Loading..

Mười điều tâm niệm, Điều tâm niệm thứ 4

Điều tâm niệm thứ 4. Làm Việc Xã Hội.

Một hôm, ngẫu nhiên đọc một bài phóng sự của một nhà làm báo Pháp về công cuộc cải cách nước Tàu của một thanh niên Trung hoa, tôi bỗng giật mình, bỏ tờ báo xuống, mơ màng nghĩ đến nước ta.

Ông Yen Yan Chu (CT – “Jimmy” Y. C. James Yen, Yến Dương Sơ), tên người thanh niên, đã từng du học ở Mỹ và ở Pháp, lúc trở về nước bèn đem những điều đã nhận xét ra thí nghiệm ở vùng Ting Hsien, cách Bắc Kinh độ hai trăm cây số. Ông hô hào cổ động dân vùng ấy đồng tâm, đồng lực cải tạo xã hội. Ông hội họp đủ các tay chuyên môn để săn sóc đến các việc thiết yếu của dân chúng: y tế, giáo dục, các vấn đề dân sinh (thương trường, nông dân, liên đoàn…), rồi chia ra từng khu thí nghiệm một.

Hiện công việc của ông ta đang tiến hành một cách mau chóng và chứa chan hy vọng. Nhờ phong trào ông gây nên, mà trong 22 tỉnh, đã lập ra những bình dân học vụ đường để dạy những người không biết chữ. Ngót 20 triệu người nhờ những trường đó mà biết đọc, biết viết. Còn những nhà hộ sinh, những liên đoàn của nông dân hay của thợ thuyền chỗ nào cũng thành lập và sống một cách chắc chắn.

Một điều đáng chú ý nhất, là tiền dùng vào cuộc thí nghiệm này đều là tiền tư cả, không nhờ vào chính chủ.

Ông Yen có ngỏ với nhà phóng viên Pháp hay rằng:
– Dân nước chúng tôi trụy lạc dần. Nếu chúng tôi không tự cứu lấy nhau, thì ai cứu? Bọn tân tiến chúng tôi bây giờ đã đông, bọn ấy phải là sức mạnh. Sức mạnh ấy, đem ra dùng một cách có quy củ, có phương pháp hẳn hoi, thì một ngày kia – mà ngày đó tất thế nào cũng đến – nước Tàu sẽ có thể tự lực mà cứu lấy mình được.

Tôi vẫn biết, người Nam ta, cũng như người Tàu, ít khi nghĩ đến xã hội.

Ngày xưa, dưới trình độ nhà Nho, ai nấy đều nghĩ đến thân danh, đến gia đình, đến làng mạc, trí không vượt ngoài lũy tre xanh. Hai làng lân cận có khi coi nhau như kẻ thù, hoặc như hai nước xa lạ, hai dân tộc không có liên can gì đến nhau. Ngay trong một làng, ai nấy cũng để tâm đến gia đình, đến họ hàng, còn việc hàng xóm thì “bằng chân như vại”. Công việc xã hội tuyệt nhiên không có.

Đến nay, thời thế tuy thay đổi, mà trong óc phần đông dân ta, quan niệm xưa về đời người vẫn còn đọng lại. Thường ta thấy những công cuộc xã hội bị thất bại, tuy nhóm lên trong sự nhiệt thành mạnh mẽ. Có nơi cô lập nhà trường, có nơi lập hội tư cấp, các người hằng tâm, hằng sản đều hăng hái hy sinh công của. Nhưng sự hăng hái ấy chỉ như mớ đóm, bùng lên một lúc rồi tắt. Sự thất bại đó, một phần có lẽ vì cách tổ chức không quy củ, một phần chắc chắn là do cái quan niệm cổ sơ đối với những ý tưởng gia đình, làng mạc, xã hội, danh dự…

Ta không thể, ở thời đại văn minh này, để những quan niệm ấy hoành hành mãi. Ta cần phải đem hết tài trí ra làm việc cho xã hội. Ta không thể chỉ nghĩ đến gia đình như xưa. Trong thấy một người khổ sở, trước khi cưu mang, ta không có thể như đời trước, hãy nghĩ xem người ấy có họ với ta không đã. Ta không thể quá chăm chỉ với người chết được nữa: thật là một điều nhận xét đáng buồn, khi ta thấy trong xã hội còn hèn yếu, chỉ có những hội hiếu, hỉ là vững vàng, sống một cách phong lưu. Ta cần phải thay đổi linh hồn ta và linh hồn những người chung quanh. Thời đại này không phải là thời đại của đại gia đình và của quỷ thần. Đời này là đời của người sống, đời của cá nhân hay nói cao hơn một bậc nữa, là đời của đoàn thể, đoàn thể hiểu theo nghĩa rộng. Cá nhânđương giải phóng, cá nhân đương thoát ly những chế độ bó buộc lùa người ta đi vào con đường nhỏ, hẹp, bùn lầy. Cá nhân cần phải tự mình kết đoàn, gom tài gom sức để cùng đưa nhau đến thế giới rộng rãi của khoa học.

Sự kết đoàn ấy là một việc rất cần cho dân ta. Thành thực kết đoàn để mưu việc cho xã hội, để tự cứu lấy nhau, đó là phương pháp thần hiệu để ta tiến đến cõi văn minh. Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức hay Pháp đều nhờ sự kết đoàn mà trở nên cường phú. Ta cũng có thể như họ được, nếu ta muốn. Nhất là nếu ta, lúc làm việc xã hội, không nghĩ đến tư lợi, trái lại, lấy sự làm việc cho người khác làm vui thích, nhất là nếu ta bao giờ cũng nghĩ đến những người yếu hèn, những người khổ sở, những người cần đến ta bênh vực. Làm việc xã hội với tinh thần ấy, ta sẽ thấy trong lòng lúc nào cũng khoan khoái, sung sướng, sung sướng vì đã làm cho người khác được sung sướng.

Bạn trẻ nên tìm hạnh phúc ở trong các công cuộc xã hội.

CẢI CÁCH.

Công cuộc xã hội ở nước ta chưa có gì cả. Bổn phận của ta, của thanh niên, của những người có óc mới, là đem tâm trí tài lực vào những công cuộc ấy.

Với một tấm lòng thành thực tin ở sự tiến hóa của xã hội, với một tấm lòng thương yêu người một nước, nhất là những người yếu hèn cực khổ, ta cần phải kết đoàn lại để làm việc.

Những người cùng nghề, cùng quyền lợi, nên họp nhau lại lập nên một sức mạnh để tự bênh vực cho mình, để tìm phương làm cho nghề mình một ngày một hơn, đó là một việc nước văn minh nào cũng có.

Ngoài những nghệ đoàn ấy, ta còn cần phải gom tài gom sức để khai trí cho ta nữa.

Trong một làng, muốn cho chóng đi đến cõi văn minh, không còn gì hơn chung nhau lập hội học. Mở mang tri thức là một sự cần cho dân ta như cơm bữa. Ngàn vạn sự đều do đấy mà ra cả. Ta không thể một ngày sao lãng được sự cần thiết ấy. Ta cần phải dạy lẫn nhau, và đem điều sở đắc truyền cho những người chung quanh biết. Như vậy, những thanh niên hủ bại, những cặn bã xưa, những sự tối tăm ngu xuẩn sẽ tan đi, để chỗ lại cho ánh sáng.

Lại còn cần phải lập hội thể dục, vừa để làm tươi tốt tình bằng hữu, vừa để luyện thân thể cho cường tráng. Thân thể có cường tráng, linh hồn mới mạnh mẽ được.

Rồi lại họp nhau lại để giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ cho những người bị ức hiếp, mở những công cuộc cứu tế và nuôi lấy một tinh thần nghĩa hiệp…

Bao nhiêu công cuộc còn đương đợi thanh niên.


Nguyễn Thành Luân

20 Blog posts

Comments