Tôi vốn rất có cảm tình với phụ nữ.
Mỗi khi trông thấy vẻ yêu kiều của một cô gái tân thời, tha thướt trong bộ áo kiểu Cát Tường, nhẹ nhàng gót sen trong đôi dép cao gót, lòng tôi bồi hồi man mác tưởng như hết thảy các vẻ đẹp bàng bạc trong trời đất đều thu lại trong thân một người.
Rồi tôi lại mỉm cười một mình. Tôi sực nhớ đến cái nón quai thao, bộ sà tích bạc với bộ quần áo thâm lòa xòa rủ xuống đôi dép cong tớn như môi cô bé chua ngoa.
Trên con đường mỹ thuật, chị em đã đi được một bước dài.
Sự tiến bộ ấy, thật đáng khen, nếu ta nghĩ rằng đối với chị em, những sức phản động mãnh liệt hơn đối với đàn ông.
Đàn ông để răng trắng, cắt búi tóc, và bỏ bộ áo khăn lượt sượt, nho nhã đi, lấy bộ quần áo tây gọn gàng thay vào, các cụ xưa cho là một sự có thể có được, một sự tiến bộ nữa. Nhưng đến lúc chị em nhởn nhơ hàm răng ngọc, dịu dàng chiếc quần trắng, thì họ nổi giận, kéo cả đại binh phản động, bảo thủ ra bài xích. Một ít son bôi lên cặp môi hồng, cũng cho họ đay nghiến là mất dạy: một mớ tóc hơi để lệch một chút, cũng đủ cho họ lồng lộn lên, tưởng chừng như cả đạo thánh hiền vì cặp môi son, mái tóc lệch mà trút ra biển Đông cả.
Nhưng sức mạnh của ký vãng không chống lại được với thời gian. Những thành kiến cổ hủ tan đi lúc người ta nghiệm thấy chị em răng có trắng, đường ngôi có lệch, mà lạ thay lại không phải là “đồ hư thân, mất nết”.
Đó là về phương diện mỹ thuật.
Từ đầu cho tới gót chân, chị em ở thành thị – người hướng dẫn cho phụ nữ cả nước – đã hoàn toàn đổi mới.
Nhưng, tôi xin thú thật một tội, mỗi lần tôi tán thưởng vẻ kiều diễm của một cô gái tân thời, tôi lại có cái cảm tưởng quái gở là đứng trước một ngoạn vật quý giá, một thứ hoa lạ mong manh phải cắm vào lọ sứ Giang Tây, của ngoạn vật ấy, thứ hoa lạ ấy, chỉ có thể đem ra nhìn, ngắm, khen, nâng niu, trìu mến mà thôi.
Với cái cảm tưởng ấy, tôi bỗng sinh ra e dè, không dám chắc sự đổi mới bộ cánh hoàn toàn như vậy là một sự tiến bộ hiển nhiên như trước nữa.
Ngày xưa, chị em bị áp chế dưới quyền của đàn ông. Bao nhiêu việc nặng nhọc, cực khổ, chị em phải gánh lấy. Ở nhà quê thì cấy lúa, giã gạo, ở tỉnh thành thì buôn bán để đức ông chồng dài lưng hoặc “vuốt râu nịnh vợ con bu nó” hoặc “tổ tôm, sóc đĩa nó thì chơi hoang”. Ở hoàn cảnh nào, trong thời gian nào, cũng là sống để mà phụng sự người đàn ông cả.
Đến nay, gió mới thổi từ phương Tây lại. Những tiếng lạ phát hiện ra. Nào phụ nữ giải phóng, nào nam nữ bình quyền.
Phong trào mới sôi nổi. Một dạo đã có cô Hoàng thị Nga hăm hở đi bộ ra Đồ Sơn. Không phải là để phá một kỷ lục gì, chỉ cốt tỏ cho mọi người biết rằng: phụ nữ đã đến ngày đổi mới, đổi từ bộ cánh cho tới tinh thần… Rồi im. Rồi lại thấy chị em hô hào lập sân quần để tập, tìm hồ để bơi. Hy vọng, hy vọng được xem hành động của phụ nữ mới. Nhưng đến bây giờ cũng vẫn còn là hy vọng. Những bài văn của cô Nguyễn thị Khiêm, Phan thị Nga, Thụy An… đua nhau ra đời, nhưng chỉ là tiếng hô hào lẻ loi, ảnh hưởng đến một số ít.
Tuy vậy, toàn thể phụ nữ cũng đã biết theo mới là một sự nên làm. Có điều họ thực hành sai cái chủ nghĩa bình quyền. Họ tưởng lầm rằng ngang hàng với nam giới là chỉ có một việc trang điểm cho ra vẻ tân thời, rồi ngồi dỗi bôi móng tay như một bà Công chúa Tàu. Trong lúc ấy, bên Âu Mỹ phụ nữ hiểu chủ nghĩa bình quyền một cách trái ngược hẳn. Một tỷ dụ: Trên xe điện, người ngồi chật như nêm. Bỗng bước lên một thiếu nữ xinh xinh với đôi mắt trong như hổ phách. Cô ta nhìn qua một lượt, sắp sửa chịu khó đứng, thì một chàng thiếu niên lễ phép đứng dậy, trỏ vào chỗ ngồi của mình mời cô ta, cô thiếu nữ đỏ mặt trả lời:
– Thưa ông, tôi có què quặt không?
– Không?
– Vậy thì ông chê tôi già nua?
– Quả thực không?
– Tôi không già nua, cũng không què quặt, tôi cũng sức lực mạnh mẽ như ông, vậy can gì ông nhường chỗ cho tôi? Xin ông làm ơn ngồi xuống cho.
Ấy, phụ nữ nước ngoài họ đòi bình quyền như vậy. Họ đòi bình đẳng không những về quyền lợi, mà cả về nghĩa vụ nữa. Những việc gì nam giới làm được, họ cũng làm được. Hiện giờ, đàn bà có mặt trong hầu hết các nghề nghiệp: có đàn bà làm cảnh sát, có đàn bà làm thượng thư, làm dân biểu, có đàn bà làm lãnh sự nữa.
Phụ nữ nước ta cũng nên mong rằng một ngày kia sẽ như chị em nước ngoài. Mà muốn chống tới ngày sáng sủa ấy, chị em cần phải hành động ngay từ bây giờ. Chị em phải quả quyết bước qua ngưỡng cửa gia đình mà làm các công việc xã hội. Chị em đã hết thẹn thò rồi. Nhưng công việc của chị em tại sao không thấy vượt ra ngoài những cuộc chợ phiên? Chị em cần phải mạnh bạo hơn chút nữa, gom tài, gom sức để lập hội học, hội thể dục, hội cứu tế, đoàn hướng đạo… và những công cuộc khác bọn nam giới đương theo đuổi.
Như vậy, công cuộc của chị em sẽ không đến nỗi sống một cách phù du, mong manh như lớp phấn hồng trên má, mà xã hội sẽ được hưởng những tấm lòng từ thiện, xả kỷ bấy lâu ẩn núp trong gia đình.