Đã từ lâu, chúng tôi theo công cuộc châm biếm những điều mê tín dị đoan, những tín ngưỡng họa hại nó đương tràn ngập nước ta như làn sóng Hồng Hà trên cánh đồng lúa những ngày lụt lội.
Chúng tôi không bao giờ ngừng cuộc chiến đấu ấy, và các bạn trẻ cũng đi tiễu trừ những nguyên nhân của sự tối tăm, ngu muội của nó làm cho nước ta hóa ra một nước của bọn thần, quỷ, ma, quái nó dìm dập dân trong sự sợ hãi những điều huyền bí. Những điều huyền bí mà ở các nước khác, lại là cớ gây cho người tìm được những điều phát minh trọng đại.
Cuộc chiến đấu ấy, cuộc tiễu trừ mê tín ấy hiện nay rất cần có. Là vì từ thành thị chí nông thôn, bờ biển Đông Hải trở lên miền sơn dã, không đâu là bọn quỷ thần không làm vua làm chúa. Bọn ấy dòm ngó vào đời ta, hàng ngày bắt ta theo ý muốn của họ, khiến cho thân thể, tinh thần ta không còn của ta nữa, mà là của bọn họ, không một sự gì quan trọng trong đời ta là không có họ nhúng tay vào. Lúc ta sinh, có mười hai bà mụ đến bàn to bàn nhỏ, ta yếu đau, là vì bà cô ông mãnh chọc ghẹo chơi, lúc ta chết, còn sợ các ông… trùng đỏ mỏ. Ta bước vào trong bếp thấy ông Táo Quân, ra ngoài đình có ông Thành Hoàng, còn ở các nơi khác là gặp những ma quái nó ám ảnh ta ở gốc cây đa lớn, ở trên đống đất to hay những chiếc bình vôi vỡ. Chung quanh ta, lúc nào cũng vẩn vơ những quỷ cùng thần, không lúc nào thoát ly ra được.
Đến nay, không còn e dè gì nữa, ta cần phải nổi lên phản kháng bọn quỷ thần kia bấy lâu đầy đọa tâm hồn dân ta vào vòng nô lệ.
Ta cần phải luyện lấy bộ óc khoa học. Bạn thanh niên ta đã hiểu biết, nên tin ở sự mầu nhiệm của khoa học và đem điều sở đắc tuyên truyền cho những người chưa biết cho đến bao giờ mọi người coi là một sự hiển nhiên rằng mọi sự xảy ra trong trời đất đều có nguyên nhân. Nguyên nhân ấy không phải là do ý chí dị thường của những ông thần ác nghiệt, hung hãn, nhỏ nhen mà ra, nhưng chính là sự phát huy của một luật thiên nhiên, tìm tòi những luật thiên nhiên, dùng những luật ấy để giúp đời, đó là nhiệm vụ của khoa học, khiến cho ta ra khỏi làm nô lệ quỷ thần, mà đem quỷ thần – hiểu theo nghĩa thông thường – làm nô lệ cho ta, đó là nhiệm vụ của khoa học. Một làn chớp nhoáng, theo sau một tiếng sét vang động một góc trời, xưa ta tưởng là do sự giận dữ của ông thần thiên lôi, rồi ta sợ hãi đào lấy lưỡi tầm sét mà thờ cúng, sợ hãi, tin rằng phải lễ bái cầu khấn ông, ông mới tha tội. Khoa học dạy ta biết rằng, ông thần ấy, ta có thể bắt giam lại trong những dây đồng, khiến ông ta hiện ra những làn chớp nhoáng con con để ta ngắm chơi, hiện ra lửa để thắp đèn hay đun nước. Ông thần ấy là điện khí.
Vẫn hay khoa học hiện giờ không phải có thể phân giải được hết thiên tướng. Nhiều điều huyền bí vẫn còn trong vòng mờ ám, chưa phát minh ra được. Song, những người có óc khoa học đều tin rằng những điều huyền bí kia sẽ có ngày phân giải được, vì những điều ấy là những phát dương của một luật thiên nhiên chưa minh hiển. Những nhà bác học thường tự nhận là dốt nát, song cái dốt của họ không phải là sự mê muội của ngu đần lúc nào cũng sẵn sàng một mớ giải thích cho mọi sự, một mớ giải thích mơ màng, không giải thích được điều gì hết.
Vậy ta cần phải gây nên một phong trào khoa học, quảng thông những tư tưởng khoa học, khiến cho ai nấy đều tự nhiên tỉnh ngộ không còn tin rằng trong đời ta, lúc nào cũng có tiên, có thần, có ma để mắt tới. Tuy mất đi một ít vẻ huyền bí, một ít vẻ nên thơ, nhưng ta đi được một quãng dài trên con đường tiến bộ. Ai nấy sẽ chỉ tin phục chân lý của khoa học, chỉ tin là thật những điều mà khoa học đã chứng minh là thật.
Nói đến đây, tôi lại sực nhớ đến câu chuyện cổ. Có người lấy một cái ống gỗ, hai đầu lấy giẻ rách bịt lại để một chỗ. Một tháng sau tháo giẻ ra xem thì một đàn chuột con cũng tự nhiên tháo ra. Người ta bèn hiểu ngay ra rằng giẻ rách để lâu ắt là đẻ ra chuột. Ai đọc đến đây chắc cũng phải mỉm cười. Nếu vậy, sao lại không mỉm cười lúc dân ta thấy một người trèo lên một cây đa thiêng ngã gẫy tay cho ngay là vì ma làm? Các ông thần, các ma quỷ, cũng chỉ như mớ giẻ rách kia mà sự tưởng tượng của ngu dân đổ cho là cha mẹ của lũ chuột con!
Đối với những việc ấy, mỉm cười chưa đủ? Vì chưng lúc ta mỉm cười rồi sao lãng đi, ngàn vạn người khác không được hiểu biết bằng ta, đã vội vàng xúm lại cho là chân lý bất di bất dịch.
Vậy bổn phận của thanh niên ta, không những là sự luyện lấy bộ óc khoa học, mà còn phải luyện tri thức người khác cho trở nên có tính cách khoa học nữa.
Ta phải luôn luôn nhớ rằng thiếu bộ óc khoa học, không thể có tiến bộ được.