NGHĨ GÌ VỀ SÁM HỐI.
Cách đây hơn một năm khi xem những tấm hình tôi chụp các tượng Địa Tạng Phật trong một nghĩa địa ở Nhật Bản và hiểu được ý nghĩa của tập tục đó, một người bạn FB đã inbox hỏi tôi muốn sám hối và cầu nguyện cho những vong hồn bé nhỏ mất sớm thì phải làm gì. Tôi thành thật cảm động vì sự tin tưởng của người đó dành cho tôi, nhưng cũng có phần hơi bối rối vì nguyên lý đạo Phật thì mình hiểu nhưng khi chỉ ra cụ thể cho một người nào, mình phải hiểu rõ tâm thức của người đó để thực sự giúp họ hiệu quả thay vì gây cho họ thêm đau khổ hay rối loạn hơn. Tôi có viết cho bạn ấy là muốn thực hiện điều mong muốn, bạn ấy có thể làm ba chuyện: sám hối, an tâm và hồi hướng. Bạn ấy nói rằng sám hối thì bạn ấy hiểu, còn an tâm và hồi hướng thì làm sao.
Tôi xin chia xẻ những hiểu biết giới hạn của tôi về đạo Phật trong vấn đề này để hy vọng chúng ta cùng tìm hiểu. Và xin các bạn chú ý cho một điều, một Phật tử hiểu biết đúng đắn giáo lý không có nghĩa là người đó đã loại trừ được tất cả các ô nhiễm (lậu hoặc) do thói quen gây ra, tham sân si vì thế vẫn phát khởi khi nhiều khi ít khi lâu khi mau. Nếu có ai cần sám hối thì người đó chắc hẳn là tôi. Nên những chia sẻ ở đây chỉ có tính chất thân tình, nhân dịp càng ngày càng nhiều người hỏi tôi về vấn đề an tâm trong chia ly, mất mát. Tất cả chúng ta chỉ là chúng sanh cùng đi trên một con đường hướng đến sự tỉnh thức, không ai thấp ai cao, và mỗi người chỉ là vị thầy của chính mình.
Nếu để ý, các bạn sẽ thấy trong nghi thức Sám Hối có các phần chính như sau: các chú an tâm và cảnh, các bài kinh để hiểu rõ bản chất của tâm, một bài đọc sám hối, và một bài hồi hướng. Trong tất cả các phần ấy của nghi thức sám hối, phần chính yếu và quan trọng nhất là bài Bát Nhã Tâm Kinh. Nội dung của Tâm Kinh là để chỉ thẳng bản tính của tâm và câu chính yếu là: “Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì thấy rõ năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.” Hiểu rõ bài Kinh này thì tâm được an, tâm an thì mọi tội lỗi đều được sám hối.
Tôi xin tiếp cận nó theo cách hiểu của tôi. Năm uẩn nhắc đến trong kinh là các hiện tượng tâm lý, mà nếu đọc tiếng Anh có khi lại dễ hiểu hơn tiếng Hán Việt, mặc dù tiếng Anh cũng không dịch hết được tất cả hàm ý của các từ Sankrit hay Pali này: Sắc là matter hay form (rupa), Thọ là sensations hay feelings (vedana), Tưởng là perceptions (samjna), Hành là intention hay mental formations (sankhara), và Thức là consciousness hay awareness (vijnana). Khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc với môi trường bên ngoài, chúng ta đều khởi lên các hiện tượng tâm lý liên tiếp nhau: một hay nhiều cảm xúc, nhận thức, ý tưởng, hình ảnh, ý định, và ý thức về tất cả những cái này. Đây là chức năng (functioning) nhưng lại vừa là tiến trình (process) của tâm lý. Điều thú vị là kiến thức về Tâm lý học Nhận thức có thể dùng để soi chiếu và thông hiểu tiến trình ngũ uẩn này.
Hiểu được tại sao kinh nói ngũ uẩn là thực, và nhất là tại sao nói chúng là không, là điều tối quan trọng trong việc sám hối. Nói ngũ uẩn là thực (Không tức thị sắc, không tức thị thọ, không tức thị tưởng. . .) vì chúng vẫn hiện diện trong tâm trí và ảnh hưởng đến cách suy nghĩ (ý), lời nói (khẩu) và hành động (thân) của chúng ta trong mỗi phút giây. Chúng không chỉ hiện diện trong tâm lý mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và các mối quan hệ của chúng ta trong xã hội.
Nói ngũ uẩn là không (sắc tức thị không, thọ tức thị không, tưởng tức thị không. . .) vì tất cả tiến trình này chỉ là thói quen do sự lập đi lập lại (tập nhiễm) của những ý tưởng, tư tưởng, cảm xúc.v.v. .trong quá khứ và kể cả hiện tại khi chúng ta tương tác với môi trường chung quanh. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì chúng là hiện tương duyên khởi mà không có bản chất. Khi gặp một hiện tượng mới thông qua ngũ quan, chúng ta không tiếp xúc với một tâm trí hoàn toàn mới mẻ mà chỉ là phản ứng với tập quán, thói quen, kinh nghiệm, khung nhận thức dùng tới dùng lui đã cũ mòn. Tiến trình tâm lý này về bản chất chỉ là những lộ trình thần kinh [neural pathways] do thói quen nói ở trên tạo ra. Chỉ cần biết không phải là con rắn mà là sợi dây thừng thì bao sợ hãi, ý định chiến đấu hay bỏ chạy đều dần tan biến.
Thói quen phản ứng tâm lý này chính thị là “nghiệp” vì khi chúng ta không ý thức được tiến trình tâm thức này, nó sẽ dẫn dắt hành động của chúng ta theo lối phản ứng điều kiện hóa. Còn khi tỉnh thức, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy tiến trình đó và không bị cuốn vào phản ứng điều hiện hóa đó nữa. Vì vậy trong kinh mới nói là khi giác ngộ thì “bất muội nhân quả” và “thoát sinh tử” tức là không bị mê hoặc vào cái tiến trình này nữa thì không tạo ra các nhân tâm lý để lãnh các quả tâm lý, và không bị cuốn vào vòng xuất hiện (sinh) rồi biến mất (tử) của các hiện tượng tâm lý bị điều kiện hóa nữa.
Vậy thì chúng ta phải làm sao khi đối diện với tội lỗi lẫn đau khổ? Khi chúng ta ý thức về tiến trình điều kiện hóa này tức là chúng ta đã bước đầu thoát khỏi “móng vuốt” của nó. Chỉ cần quan sát nó một cách tự nhiên như bầu trời xanh thẳm dung chứa tất cả mây bay gió thổi, một mặt hồ phản chiếu tất cả bóng chim cây cỏ, vì tất cả hiện tượng tâm sinh lý đến rồi sẽ đi, còn gọi là sanh rồi diệt. Nếu chúng ta suy nghĩ thêm về nó hay cố gắng dẹp bỏ nó thì đều “đổ dầu vào lửa,” khiến cho chúng tiếp tục có thêm năng lượng và chất liệu để vận hành. Nhìn từ góc độ thần kinh học, chúng chỉ là những hiện tượng truyền tín hiệu hóa điện qua các tế bào thần kinh trong mạng lưới hình thành do tập quán. Nếu chỉ chánh niệm tỉnh giác mà không tiếp tục tạo tác lẫn phản ứng thì dần dần lâu ngày các mối nối trong mạng thần kinh này sẽ đứt hẳn.
Vậy thì chúng ta cần làm gì mỗi ngày để sám hối và an tâm: chỉ cần thấy rõ và hiểu rõ bản chất của các hiện tượng tâm lý để hoan hỷ, chấp nhận và bao dung chúng. Vì vô mình do vọng tưởng ngã có thật và pháp có thật nên khi "giác ngộ" tức thấy rõ thực tướng của ngã và pháp thì mọi ràng buộc nhân quả của tội lỗi như là sản phẩm của vộ minh đều tan biến.
Vì thế chúng ta mới có bài kệ này.
"Tội tùng tâm khởi tương tâm sám
Tâm nhược diệt thời tội diệc vong
Tội vong tâm diệt lưỡng câu không
Thị tắc danh vi chân sám hối"
Cầu mong tất cả gia đình, người thân, bạn bè mình cũng đều được như vậy.